Hành trình chăm sóc con cái chưa bao giờ là đơn giản, từ khi con sinh ra tới lúc con lớn lên, những lúc con ốm bệnh, mỗi lần như vậy cha mẹ lại được phen sốt vó lo lắng vô cùng. Sẽ càng hoang mang hơn khi mà con lại mắc phải những căn bệnh lạ hiếm gặp, không rõ rằng vì xu hướng điều trị ra sao.
Dưới đây chính là câu chuyện được một bà mẹ kể lại khi con mắc phải căn bệnh kawasaki – một bệnh hiếm gặp – nhưng thật may mắn khi bố mẹ đã có đủ kiến thức để đưa ra những quyết định kịp thời, cuối cùng em bé đã được cứu chữa.
Sốt liên tục 5 ngày, nổi ban dày đặc nhưng không rõ nguyên nhân
Bé Gà, 9 tháng tuổi, con trai chị Trần Yến Nhi (26 tuổi, sống tại Tp.HCM) bắt đầu sốt hơn 38 độ C vào tối ngày 7/1 nhưng không rõ nguyên nhân. Chị Nhi đã lau người và ru bé ngủ từ sớm. Sáng hôm sau, bé được đưa đến bệnh viện để khám nhưng bác sỹ cũng chỉ kết luận là con có đờm trong họng nên kê đơn cho thuốc uống. Tuy nhiên, sau khi về nhà thì bé Gà bị tiêu chảy nhiều và vẫn không hết sốt, trên người nổi một số nốt ban nhưng cả nhà cứ nghĩ là con chỉ bị muỗi cắn. Bởi bố mẹ tự xâu chuỗi trước đấy bé Gà thỉnh thoảng có bị muỗi đốt và bé đang mọc răng nên có khả năng bị tiêu chảy.
Thế nhưng đến ngày 10/1, bé Gà vẫn sốt cao, quấy khóc. Cuối cùng, bố mẹ lại phải đưa bé đi khám bệnh viện. Đến bệnh viện, các nốt ban nổi dày đặc hơn trên người bé, mắt đỏ, môi đỏ, lưỡi nổi hạt, mu bàn chân, bàn tay có dấu hiệu phù, bé sốt cao liên tục 40 độ C, khi đó các bác sĩ đã quyết định giữ lại để làm thêm nhiều xét nghiệm khác nữa. Các bác sỹ nghi ngờ bé Gà bị viêm phổi vì bé còn bị ho và khò khè. Tuy nhiên đêm đó, 3h sáng bé vẫn không ngủ được vì sốt cao, thuốc hạ sốt cũng không có tác dụng. Đến khoảng 5h sáng, bé mới thiếp đi được một chút, nhưng tỉnh dậy thì vẫn mệt, lờ đờ, khóc quấy rất nhiều.
Sau 1 đêm theo dõi như vậy thì đến ngày hôm sau (ngày sốt thứ 5), bé được chuyển lên khoa tim. Bác sỹ chỉ định siêu âm thêm tim nhưng cũng chưa thấy gì nguy hiểm và khuyên gia đình là đợi đến ngày sốt thứ 7. Bác sỹ nghi ngờ bé bị bệnh kawasaki nhưng vẫn chưa xác định được chính xác. Còn bố mẹ bé thì tìm hiểu thêm bên ngoài, kết hợp hỏi một vị bác sỹ khác thì linh tính mách bảo là con mình bị bệnh kawasaki thật sự.
Xác định được bệnh và phương pháp điều trị kịp thời
Tìm hiểu thêm về căn bệnh kawasaki, bố mẹ bé biết rằng một khi mắc bệnh này, nếu không được truyền thuốc kịp thời thì sẽ dẫn đến hậu quả là bị viêm tim, viêm tắc, giãn mạch vành dẫn đến nhồi máu cơ tim, gây đột tử. Trường hợp đó là không thể cứu chữa được nữa. Vì vậy, bố mẹ bé Gà lại càng lo lắng hơn gấp bội khi thấy tình trạng con mình ngày càng nặng hơn, sốt cao không đỡ, các nốt ban lan rộng. Gia đình liên tục đốc thúc các bác sỹ đưa ra quyết định cuối cùng. Cuối cùng, các bác sỹ chính thức kết luận là bé bị bệnh kawasaki để đưa ra phương pháp điều trị kịp thời.
Đó là ngày thứ 6 bé Gà bị sốt, cũng là ngày thứ 3 bé nhập viện, được truyền thuốc để chữa bệnh kawasaki. Bé được truyền liên tục 7 chai (dựa trên cân nặng 9kg), từ 2h chiều đến 10h30 phút đêm. Sau khi được truyền lượng thuốc như thế thì bé bắt đầu có biểu hiện chấp nhận thuốc, tiến triển khá hơn và cắt sốt hẳn. Rất may là bé Gà đáp ứng thuốc mà không bị kháng thuốc. Bởi các bác sỹ có giải thích trong trường hợp bệnh nhân không chấp nhận thuốc thì sẽ bị shock thuốc, nếu truyền lại thì sẽ giảm tác dụng rất nhiều. Và với những bệnh nhân bị bệnh kawasaki thì truyền thuốc trong khoảng 4-7 ngày khởi bệnh mới có tác dụng sớm.
Đến ngày 15/1, đã qua 48 tiếng theo dõi sau khi truyền thuốc thì tình trạng của bé Gà đã ổn định, con đã linh hoạt cử động, tỉnh táo, có thể ăn uống được ít. Các nốt ban trên da bắt đầu bớt dần đi, không còn đỏ như trước nữa. Bác sỹ điều trị đã đồng ý cho bé về nhà để theo dõi thêm, chủ yếu trong trường hợp nếu bé sốt trở lại thì mới phải nhập viện. Còn các nốt ban đỏ thì sẽ bong dần, bố mẹ chỉ cần để ý trong việc giữ gìn, tăng sức đề kháng cho con.
Một số lưu ý cho bố mẹ
Cũng theo chia sẻ từ chị Nhi, bệnh kawasaki với những người chưa biết thì có thể là hiếm gặp, nhưng trong bệnh viện thì chị thấy khá nhiều. Các bé trai lẫn bé gái đều có nguy cơ mắc bệnh và ngày càng có nhiều bé phải nhập viện vì bệnh kawasaki mà không rõ nguyên nhân.
Vậy nên các bố mẹ nên chú ý theo dõi sức khỏe của con, nếu thấy những biểu hiện như con sốt cao liên tục, mắt đỏ, môi đỏ, các nốt ban lan rộng, phù mu tay, mu chân, lòng bàn tay, bàn chân bị đỏ… thì phải gấp rút đưa con đi bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.
Kawasaki (hay còn gọi là hội chứng da niêm mạc hạch bạch huyết) là một dạng biểu hiện của da do hệ miễn dịch bị xáo trộn. Bệnh được đặt theo tên một vị giáo sư Nhật Bản, người đã phát hiện ra căn bệnh này đầu tiên vào năm 1967. Căn bệnh này được xếp vào nhóm bệnh tự miễn hay nhóm bệnh viêm mạch, tức là viêm những mạch máu. Viêm ở đây không có nguyên nhân cụ thể, không phải do một tác nhân là vi khuẩn, vi trùng, siêu vi… nào cả mà do cơ thể tự tạo cơ chế miễn dịch. Đặc biệt, bệnh thường chỉ xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi.